Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 25 - Góc nhìn Việt Nam

Hướng đến các mục tiêu trọng yếu

Hành trình hướng tới phát triển

Khi nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển nhanh nhất thế giới, dẫn đầu bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, trước nhiều triển vọng lạc quan vẫn tồn tại những thách thức dành cho khu vực, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như các biến động kinh tế.

Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 25 của PwC cho thấy quan điểm của gần 4,500 CEO toàn cầu, bao gồm 1,618 CEO đến từ Châu Á - Thái Bình Dương, về triển vọng tăng trưởng và các vấn đề mới nổi trong năm 2022. Báo cáo này là một phần trích dẫn từ Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 25 - Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã được cập nhật để phù hợp với thị trường Việt Nam.

Territory image

Góc nhìn Việt Nam

Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam năm 2021 giảm xuống mức 2,58% do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4. Tuy nhiên, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN ở mức 6,6%, tiếp theo là Philippines (6,3%) và Malaysia (6%).

Dựa trên số liệu năm 2021, Việt Nam cũng đang trên đà phục hồi hậu đại dịch về tổng giá trị xuất khẩu với mức tăng trưởng 19%. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 cũng tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế.

 

Tương tự như hầu hết các quốc gia trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, sự bùng phát mạnh của biến chủng Delta tại Việt Nam từ tháng 4/2021 đã trở thành một làn sóng thách thức nhất cho đến nay. Tuy việc triển khai vắc-xin nhanh chóng đã góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi nền kinh tế, sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11 vẫn tiếp tục là một trở ngại lớn đối với Việt Nam và khu vực. Mặc dù vậy, Việt Nam đang trên đà chuyển hướng chiến lược từ "không COVID" sang "sống chung với COVID". Theo đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ như là bước đầu tiên để quốc gia thích ứng với trạng thái bình thường mới cùng với việc dần dần mở cửa biên giới.

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) đã đặt nền móng cho việc thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Qua đó, Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu của mình. 

Các bước đầu tiên trong việc biến các cam kết thành các hành động bao gồm việc ban hành Luật Bảo vệ Môi trường và hợp pháp hóa việc thiết lập định giá carbon dưới hình thức kinh doanh khí thải đối với khí nhà kính. Theo đó, thuế carbon cũng có thể được phát triển theo khuôn khổ chung của luật này. Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế cũng đang được tăng cường thiết lập. Việt Nam đang tham gia chương trình "Cơ chế chuyển đổi năng lượng" do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ nhằm cắt giảm dần năng lượng nhiên liệu hóa thạch.

Kế hoạch hành động - Những vấn đề CEO cần ưu tiên

  • Xác định lại sự cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn và dài hạn
  • Chuẩn hóa các kỹ năng
  • Thiết lập lại các cuộc đối thoại
  • Đánh giá lại kế hoạch kế nhiệm
  • Cân nhắc lại các biện pháp khuyến khích 
  • Thiết lập các mối quan hệ cộng tác