Tác động sâu rộng của Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (CSRD) tới các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam

csrd in vietnam

Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) của Doanh nghiệp, gọi tắt là chỉ thị CSRD, được Liên minh Châu Âu (EU) ban hành vào tháng 12 năm 2022 và chính thức có hiệu lực cho các báo cáo phát hành từ năm tài chính 2024 (trừ một số ngành và các doanh nghiệp không đặt trụ sở tại EU sẽ cần tuân thủ từ năm 2026). Trong bài viết này, PwC tiến hành phân tích và đánh giá tác động của Chỉ thị CSRD đối với hai nhóm đối tượng chính tại thị trường Việt Nam là doanh nghiệp FDI châu Âu và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu, từ đó đưa ra lộ trình đề xuất để doanh nghiệp triển khai các công tác chuẩn bị một cách kịp thời.

Bảng 1. Giới thiệu tổng quan về Chỉ thị CSRD

Tên đầy đủ

Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) của Doanh nghiệp

 
Tổ chức ban hành

Liên minh châu Âu EU

 
Mục đích
Yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin PTBV đầy đủ và chặt chẽ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi cách vận hành theo hướng PTBV  
Số lượng doanh nghiệp cần báo cáo theo Chỉ thị CSRD

Khoảng 50.000 công ty có hoạt động trong thị trường EU

 
Tiêu chuẩn báo cáo theo Chỉ thị CSRD

Tiêu chuẩn Báo cáo PTBV châu Âu (European Sustainability Reporting Standards - ESRS)

 
Thời gian có hiệu lực

Bắt đầu từ năm tài chính 2024 đối với các công ty niêm yết ở thị trường EU và có hơn 500 nhân sự (trừ 8 nhóm ngành và các công ty không đặt trụ sở tại EU*). Xem thông tin chi tiết dành cho các đối tượng còn lại tại đây.

 

(*) Theo Hội đồng châu Âu, vào ngày 7/2/2024, Nghị viện châu Âu đã thông qua đề xuất gia hạn thời điểm tuân thủ CSRD thêm 2 năm (tức là đến tháng 6/2026) đối với các công ty không đặt trụ sở tại EU và 8 nhóm ngành bao gồm dầu khí, khoáng sản, vận tải đường bộ, thực phẩm, xe hơi, nông nghiệp, năng lượng, dệt may. Đây là 8 nhóm ngành có tiêu chuẩn báo cáo riêng (sector standard) trong ESRS và có tác động đáng kể tới môi trường.

1 Một số nhận định về Chỉ thị CSRD

Chỉ thị CSRD/ Tiêu chuẩn báo cáo ESRS nhận được nhiều sự chú ý trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính là bởi Chỉ thị CSRD mang tính bắt buộc thay vì tự nguyện như các tiêu chuẩn và khung hướng dẫn báo cáo PTBV hiện hành như Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), Lực lượng Chuyên trách các Báo cáo Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD), Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Bền vững (SASB)... Quan trọng hơn, Chỉ thị CSRD sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp trên toàn thế giới, không chỉ trong phạm vi châu Âu. Một trong những bước tiến lớn của Chỉ thị CSRD trong việc đẩy mạnh thực hành PTBV là thay vì chỉ tập trung vào dấu chân môi trường của bản thân doanh nghiệp, CSRD nhấn mạnh vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp, vốn là yếu tố chính góp phần tạo ra các tác động của doanh nghiệp lên môi trường và xã hội. Lấy ví dụ với ngành hàng tiêu dùng, trên 90% tác động về môi trường của ngành này thực tế nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp1. Chỉ thị CSRD vì vậy có ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều công ty thuộc chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp có hoạt động tại châu Âu. Bởi vì các công ty này sẽ cần cung cấp dữ liệu PTBV cho đối tác hoặc công ty mẹ tại châu Âu để đảm bảo việc tuân thủ với CSRD.

Chỉ thị CSRD đề cao tính minh bạch trong việc công bố thông tin PTBV. Cụ thể, Chỉ thị CSRD yêu cầu thực hiện đảm bảo số liệu báo cáo bởi bên thứ ba độc lập ở mức đảm bảo có giới hạn. Trong tương lai, Chỉ thị CSRD sẽ tiến đến yêu cầu thực hiện đảm bảo hợp lý, tương đương với mức độ đảm bảo cho báo cáo tài chính. Với tính phức tạp và đa chiều của các chủ đề liên quan đến PTBV, yêu cầu này giúp nâng cao tính chính xác, đầy đủ và khách quan trong thông tin được đưa vào báo cáo PTBV của doanh nghiệp, tránh tình trạng chỉ báo cáo những mặt tích cực (cherry-picking), bỏ sót thông tin hay nhấn mạnh quá mức.

Sự ra đời của Chỉ thị CSRD cũng đòi hỏi sự lưu tâm của bộ phận thuế trong doanh nghiệp. Với những yêu cầu báo cáo mới và khắt khe, Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS sẽ tạo áp lực để chính doanh nghiệp cũng như toàn bộ chuỗi giá trị thay đổi cách thức hoạt động, kéo theo các ảnh hưởng về thuế và pháp lý. Một số tình huống có thể kể đến bao gồm:

  • Thay đổi nhà cung ứng từ nước ngoài sang nội địa (ví dụ nhằm giảm phát thải Phạm vi 3 và tăng tính hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu PTBV), dẫn tới cấu trúc thuế doanh nghiệp thay đổi.

  • Điều chỉnh mô hình chuyển giá (transfer pricing) do nhu cầu đóng cửa các cơ sở hạ tầng thiếu tính bền vững hay tiến hành chuyển đổi trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

  • Chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh mới dẫn đến các thay đổi về nghĩa vụ thuế doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sự nhất quán giữa thông tin công bố trong báo cáo PTBV theo CSRD và báo cáo cho cơ quan thuế hay hải quan.

  • Thực hiện báo cáo rủi ro về mặt tài chính từ tác động liên quan đến thuế các-bon cho mặt hàng xuất khẩu theo Cơ chế CBAM (xem chi tiết trong phần “Tác động của CSRD tại Việt Nam và đề xuất các bước chuẩn bị cho doanh nghiệp” phía dưới).

Một số yêu cầu lần đầu xuất hiện và lượng thông tin yêu cầu công bố chi tiết và khắt khe hơn so với các khung/ tiêu chuẩn công bố thông tin PTBV hiện hành. Bên dưới là tóm tắt các yêu cầu mới, bao gồm nhưng không hạn chế ở các nội dung sau:

2 Tác động của Chỉ thị CSRD tại Việt Nam và đề xuất các bước chuẩn bị cho doanh nghiệp

Chỉ thị CSRD đang và sẽ có tác động mạnh mẽ ở Việt Nam vì trong bối cảnh hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều EU - Việt Nam ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, 25/27 nước thành viên EU đã đầu tư hơn 22 tỷ USD vào hơn 2.000 dự án FDI tại Việt Nam5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, đồng thời xếp thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường này6. Với việc một lượng lớn doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp hoạt động tại châu Âu, sự ra đời của Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp này đẩy mạnh việc chuẩn bị số liệu và lập báo cáo PTBV để cung cấp cho công ty mẹ hoặc doanh nghiệp đối tác tại châu Âu khi có yêu cầu.

Trong phần này của bài viết, PwC sẽ tiến hành phân tích tác động của Chỉ thị CSRD đối với hai nhóm đối tượng chính tại thị trường Việt Nam là doanh nghiệp FDI châu Âu và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu tại Việt Nam dựa theo các yêu cầu báo cáo được đề cập phía trên.

Doanh nghiệp FDI châu Âu tại Việt Nam

Doanh nghiệp FDI có điểm mạnh là nguồn lực sẵn có cùng chiến lược PTBV đã được định hướng từ công ty mẹ. Các đối tượng trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI vì thế cũng có sự đồng hành sát sao của một đối tác có hiểu biết về cả PTBV lẫn môi trường kinh doanh trong nước, qua đó có cơ hội được nâng cao năng lực trong quá trình hợp tác. Với việc công ty mẹ của doanh nghiệp FDI thường là các tập đoàn quy mô lớn, có nhiều khả năng phải bắt đầu báo cáo theo Chỉ thị CSRD từ năm tài chính 2024, doanh nghiệp FDI sẽ cần thu thập dữ liệu kịp thời theo thời hạn này**. Doanh nghiệp FDI cũng nên chủ động cập nhật với công ty mẹ về thời gian cần tuân thủ theo Chỉ thị CSRD để có kế hoạch triển khai phù hợp.

(**) Thông tin chi tiết về thời gian có hiệu lực của Chỉ thị CSRD vui lòng xem tại Bảng 1. Giới thiệu tổng quan về Chỉ thị CSRD

Theo quan điểm của PwC, dựa trên cơ sở các luật định và các khung hay tiêu chuẩn công bố thông tin PTBV hiện hành tại châu Âu và trên thế giới, doanh nghiệp FDI châu Âu tại Việt Nam nên lưu ý ba yêu cầu báo cáo thuộc Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS dưới đây.

Doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam thuộc chuỗi giá trị trực tiếp của các doanh nghiệp châu Âu

Khác với nhóm doanh nghiệp FDI, nhóm doanh nghiệp này sẽ cần thực hiện nhiều công tác chuẩn bị hơn để đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp đối tác tại châu Âu nhằm tuân thủ theo Chỉ thị CSRD. Một trong những lý do chính là không có sự hướng dẫn trực tiếp từ các đối tác có hiểu biết về môi trường kinh doanh và việc thực hành PTBV tại Việt Nam. Với hạn chế này, doanh nghiệp nên trao đổi với các đối tác châu Âu về việc họ có cần tuân thủ CSRD hay không, và nếu có thì thời hạn phải tuân thủ là khi nào để có thể lên kế hoạch phối hợp một cách phù hợp. Tuy việc thu thập dữ liệu báo cáo trong nhóm doanh nghiệp này không cấp thiết như doanh nghiệp FDI, nội dung này vẫn nên được cân nhắc và đầu tư, đặc biệt nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu từ năm 2024 trở đi.

Theo quan điểm của PwC, dựa trên cơ sở yêu cầu báo cáo hiện hành tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt thuộc chuỗi giá trị của đối tác châu Âu nên lưu ý ba yêu cầu báo cáo thuộc Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS dưới đây.

Chỉ thị CSRD có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ các mắt xích trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp có hoạt động tại thị trường châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam có liên quan vì thế cần theo dõi sát sao và sớm nắm bắt các yêu cầu tuân thủ Chỉ thị CSRD để duy trì tính cạnh tranh và phát triển mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp tại châu Âu, cũng như có các kế hoạch thực hiện kịp thời. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt cân nhắc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững hơn và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thực hành PTBV ngày càng chặt chẽ từ các thị trường lớn như EU.

Nhóm tác giả

Nguyễn Hoàng Nam

Lãnh đạo Dịch vụ Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Kiểm toán, PwC Việt Nam

+84 28 3823 0796

Email

Lương Thế Cường

Trưởng phòng, Dịch vụ Tư vấn Quản lý Rủi ro - ESG, PwC Việt Nam

+84 28 3823 0796

Email

Nguyễn Ngọc Linh Thảo

Chuyên viên cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Quản lý Rủi ro - ESG, PwC Việt Nam

+84 24 3946 2246

Email

Trần Thu Hương

Chuyên viên, Dịch vụ Tư vấn Quản lý Rủi ro - ESG, PwC Việt Nam

+84 24 3946 2246

Email

PwC rất sẵn sàng trao đổi chi tiết hơn với Quý doanh nghiệp về các tác động cụ thể của Chỉ thị CSRD. Doanh nghiệp quan tâm vui lòng liên hệ với chúng tôi tại đây.

Miễn trừ trách nhiệm

PwC đã cố gắng đảm bảo thông tin trong bài viết này được lấy từ các nguồn đáng tin cậy, tuy nhiên chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ sai sót hoặc hệ quả nào từ việc sử dụng những thông tin này. Mọi thông tin trong bài viết này được giữ “nguyên trạng”; chúng tôi không đảm bảo về tính đầy đủ, chính xác và tính cập nhật hoặc hệ quả từ việc sử dụng thông tin này, và không đảm bảo dưới bất kỳ hình thức nào, dù được nêu rõ hay ngụ ý, bao gồm nhưng không giới hạn các bảo đảm về việc áp dụng, tính thương mại và tính phù hợp cho một mục đích cụ thể. Trong mọi trường hợp, PwC cùng các đơn vị hợp danh hoặc pháp nhân hoặc thành viên, đại lý hoặc nhân viên của PwC sẽ không chịu trách nhiệm đối với quý vị hoặc bất kỳ cá nhân nào từ bất kỳ quyết định hoặc hành động nào được thực hiện dựa vào những thông tin trong bài viết này hoặc bất kỳ thiệt hại mang tính hệ quả, cụ thể hoặc thiệt hại tương tự, thậm chí trong trường hợp PwC đã được thông báo về khả năng xảy ra thiệt hại đó.

PwC hiện là công ty hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn về phát triển bền vững và tích hợp các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong quản trị doanh nghiệp. PwC đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam đánh giá hiện trạng thực hành PTBV, lập báo cáo PTBV theo các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế và tích hợp tầm nhìn PTBV vào chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Thông tin chi tiết vui lòng xem tại đây.

We unite expertise and tech so you can outthink, outpace and outperform
See how
Kết nối với chúng tôi