Những xu hướng mới trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và kinh nghiệm cho Việt Nam

Ngành y tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều biến động. COVID-19 đã và đang đẩy nhanh quá trình này

Trong khi ngành y tế đã và đang phát triển về mọi mặt trong vòng 10-20 năm qua, sự xuất hiện của công nghệ và số hóa, cùng với 2 năm dịch bệnh kéo dài, đã thúc đẩy những thay đổi mang tính cách mạng làm biến đổi toàn bộ cách thức hoạt động của lĩnh vực y tế. Một số xu hướng mới gần đây bao gồm: chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng gia tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (ví dụ, ưa thích sự tiện lợi và đơn giản hóa việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe), khám chữa bệnh nội trú chuyển sang dịch vụ ngoại trú, đổi mới công nghệ, gia tăng biến chứng, tỷ lệ mắc một số bệnh gia tăng do lối sống ít vận động, và tuổi thọ cao hơn - đang cùng nhau thúc đẩy sự biến đổi của ngành y tế toàn cầu, tạo ra làn sóng thay đổi to lớn và tạo động lực cho các bên liên quan đổi mới và hành động.

Trên toàn cầu, PwC xác định sáu xu hướng đang diễn ra trong ngành y tế (Hình 1).

Hình 1: Sáu xu hướng đang diễn ra trong ngành y tế

Sáu xu hướng đang diễn ra trong ngành y tế

Các xu hướng này đã và đang tác động đến lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe trên nhiều khía cạnh:

Thay đổi về nhân khẩu học

Nhân khẩu học thay đổi thúc đẩy những cải tiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mô hình hợp tác mới giữa khối nhà nước và tư nhân đang dần hình thành nhằm chuyển đổi cách thức đầu tư và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hợp tác với những bên mới gia nhập hệ sinh thái như bán lẻ, công nghệ (trí tuệ nhân tạo, robot, khám bệnh từ xa, phân tích), chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất (tức là các lĩnh vực chăm sóc phi y tế/ chăm sóc sức khỏe phi truyền thống) đang được đẩy mạnh, góp phần định hình lại hệ thống y tế.

Cạn kiệt nguồn lực

Công nghệ đã trở thành một giải pháp tiềm năng cho các vấn đề về nguồn lực của ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Ví dụ, khả năng theo dõi từ xa, thăm khám từ xa và các thiết bị di động sẽ hỗ trợ bác sĩ/ nhân viên y tế tiết kiệm thời gian thăm khám và tư vấn trực tiếp với bệnh nhân, giúp đưa ra quyết định nhanh hơn nhờ các công cụ phân tích cải tiến. Khối tư nhân sẽ trở thành trợ thủ tiềm năng cho các Chính phủ nhờ khả năng mang tới sự đổi mới, giải pháp độc đáo và cải thiện hiệu quả. Mô hình hợp tác công-tư này giúp Chính phủ cải cách hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe, đồng thời giảm thiểu các vấn đề về cạn kiệt nguồn lực.

Người tiêu dùng nắm quyền

Người tiêu dùng (bệnh nhân) ngày càng hiểu rõ hơn và tham gia tích cực hơn vào quá trình chăm sóc sức khỏe. Khi nắm được nhiều thông tin, người tiêu dùng sẽ yêu cầu cao hơn như trách nhiệm giải trình, tính chính trực và minh bạch từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như từ hệ thống y tế. Điều này dẫn đến sự chuyển hướng từ chăm sóc phân tán sang các mô hình tích hợp: yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, lấy bệnh nhân làm trung tâm trong suốt quá trình chăm sóc

Gia tăng các bệnh mãn tính

Lối sống thay đổi đang làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính (tiểu đường, các bệnh về tim mạch, ung thư, v.v.), khiến nhu cầu chăm sóc bệnh mãn tính tăng cao. Ngoài việc làm tăng chi phí điều trị, điều này đòi hỏi mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới.

Những tiến bộ trong việc phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm và chính xác sẽ giúp giảm thiểu chi phí điều trị. Vì vậy, ngành y tế đang chú trọng nhiều hơn vào các giải pháp y tế dự phòng, mở ra cơ hội cho các lĩnh vực chăm sóc phi y tế/ chăm sóc sức khỏe phi truyền thống với các giải pháp sáng tạo, nhằm tháo gỡ các thách thức trong ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh mãn tính.  

Người tiêu dùng mất niềm tin

Người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào hệ thống y tế truyền thống, do các vấn đề tồn đọng kéo dài và chưa được giải quyết (bệnh viện quá tải, thời gian xếp hàng lâu, các vấn đề hành chính, không tin tưởng vào thuốc/ đầu vào/ chất lượng chăm sóc, v.v.); thay vào đó họ sẵn sàng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cung cấp bởi các bên nằm ngoài lĩnh vực y tế. Công nghệ mới và phổ biến là công cụ giúp bệnh nhân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ này một cách dễ dàng hơn. Với sự tham gia vào hệ sinh thái của các bên chăm sóc sức khỏe phi truyền thống (phòng khám tích hợp bán lẻ*, trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần), các nhà cung cấp dịch vụ y tế truyền thống (bệnh viện, phòng khám) sẽ phải quyết định cạnh tranh với ai và hợp tác với ai.

*Phòng khám tích hợp bán lẻ là mô hình phòng khám không chuyên khoa và không cần đặt lịch hẹn, nằm trong các cửa hàng bán lẻ như cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại, siêu thị. Các phòng khám này điều trị các bệnh nhẹ không biến chứng và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dự phòng. Mô hình này rất phổ biến ở Mỹ.

mHealth*

Các thiết bị di động tạo điều kiện cho việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trở nên dễ dàng hơn (thông qua các phương thức trực tuyến bên cạnh việc thăm khám sức khỏe truyền thống), nhanh hơn (tiết kiệm thời gian di chuyển và xếp hàng) và rẻ hơn (một phần bằng cách cho phép bệnh nhân có được thông tin về tình trạng sức khỏe dễ dàng hơn và được nắm quyền kiểm soát nhiều hơn trong quá trình chăm sóc)

*mHealth được định nghĩa là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay các thông tin về sức khỏe thông qua nền tảng các thiết bị di động (thường là điện thoại di động, đôi khi là các thiết bị di động chuyên biệt cho mục đích khám chữa bệnh như thiết bị theo dõi không dây). Các ứng dụng và dịch vụ thông qua thiết bị di động bao gồm theo dõi bệnh nhân từ xa, gọi video trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, thiết bị chăm sóc sức khỏe cá nhân, truy cập bệnh án và đơn thuốc từ xa.

Việt Nam ở đâu trong thời điểm đột phá này? 

Già hóa dân số, gia tăng tầng lớp trung lưu & giàu có cùng với gánh nặng các bệnh mãn tính ngày càng tăng phản ánh xu hướng thay đổi nhân khẩu học và xã hội tại Việt Nam. Những xu hướng này khiến nhu cầu chăm sóc dài hạn trở nên cấp thiết. Ngoài ra, khả năng tiếp cận các tiện nghi của tầng lớp trung lưu và giàu có khiến họ đòi hỏi có thêm lựa chọn y tế và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cũng đi đôi với lối sống ít vận động hơn. Điều này chắc chắn sẽ khiến tỷ lệ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, các bệnh mãn tính cũng như những căn bệnh có chi phí điều trị cao khác ngày càng gia tăng.

Những hộ gia đình khá giả có xu hướng yêu cầu chất lượng khám chữa bệnh và điều trị cao hơn, cùng với các dịch vụ chuyên sâu, tiện lợi, minh bạch, giá cả phải chăng và được cá nhân hóa hơn. Những gia đình này cũng có thể lựa chọn các dịch vụ chăm sóc đa dạng hơn nhiều, như tại các bệnh viện và ngoài bệnh viện (ví dụ: trung tâm thể dục thể hình, phòng khám tư nhân, nơi làm việc, phòng khám thay thế hoặc tại nhà), trong nước hoặc nước ngoài, thông qua các kênh ngoại tuyến hoặc trực tuyến,... Xu hướng này mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp mới từ các ngành khác tham gia, cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái y tế và chăm sóc sức khỏe đa dạng hơn bên cạnh các cơ sở truyền thống (bệnh viện và phòng khám), lấy bệnh nhân là trung tâm (Bảng 2). Xu hướng biến đổi toàn cầu từ mô hình phân tán sang tích hợp, trong đó yêu cầu sự phối hợp của các tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, lấy bệnh nhân là trung tâm, cũng đang diễn ra tại Việt Nam.

Figure 2: Players in the healthcare ecosystem

Hình 2: Hệ sinh thái ngành chăm sóc sức khỏe

Với các mô hình chăm sóc y tế và sức khỏe ngày càng phát triển, quan hệ đối tác và hợp tác đã chuyển từ tùy chọn sang bắt buộc. Có nhiều hình thức hợp tác khác nhau để các bên liên quan trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam xem xét.

Quan hệ đối tác và hợp tác giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe là chìa khóa để theo kịp đà phát triển nhanh chóng của ngành này trên thế giới, đồng thời tiếp tục duy trì sự chủ động trước những biến động của ngành và thành công của các bên liên quan trong một hệ sinh thái rộng lớn hơn. Với quy mô lớn hơn, việc hợp tác để tạo ra một hệ sinh thái kết nối chặt chẽ với tất cả các bên liên quan sẽ giúp đảm bảo sự thành công và bền vững trong toàn ngành.

Mục tiêu của bệnh viện là tăng trưởng hữu cơ và sáp nhập/ hợp tác theo chiều ngang

Khi bệnh nhân tìm kiếm một mô hình chăm sóc sức khỏe tích hợp hơn, các bệnh viện truyền thống có thể xem xét giải pháp đa dạng hóa phạm vi cung cấp và loại hình dịch vụ, thành lập các cơ sở độc lập chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc tiền cấp tính/trước khi nhập viện, (ví dụ: phòng khám chuyên cung cấp các dịch vụ khám bệnh và chẩn đoán, bao gồm cả khám bệnh từ xa); cũng như các dịch vụ phục vụ cho giai đoạn sau của quá trình chăm sóc, cung cấp dịch vụ chăm sóc sau cấp tính (ví dụ: trung tâm dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng, dịch vụ chăm sóc tại nhà, chăm sóc hậu phẫu, chăm sóc giảm nhẹ/cuối đời,...). Giải pháp này có thể giúp các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân sớm hơn trong quá trình chăm sóc liên tục và tăng khả năng giữ chân bệnh nhân bằng cách trao quyền cho bệnh nhân tham gia quản lý quy trình chăm sóc toàn diện. Các bệnh viện có thể lựa chọn mở rộng một cách hữu cơ, thông qua mua lại hoặc hợp tác chiến lược, đặc biệt là trong các lĩnh vực thường không nằm trong phạm vi dịch vụ của bệnh viện truyền thống như khám bệnh từ xa và mHealth, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, chăm sóc tại nhà và chăm sóc giảm nhẹ.

Các bệnh viện, công ty công nghệ và chính phủ có thể hợp tác để chuyển đổi cách thức cung cấp dịch vụ chăm sóc

Trí tuệ nhân tạo, chăm sóc sức khỏe từ xa, thực tế ảo và các công nghệ y tế khác rất phổ biến ở các thị trường phát triển, tuy nhiên những công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển ở Việt Nam. Chăm sóc y tế ảo, y tế từ xa, phẫu thuật ảo, phân tích xét nghiệm có sự hỗ trợ của AI, kết nối các nhóm chăm sóc sức khỏe, phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, chăm sóc dựa trên dữ liệu và bằng chứng đều đang nâng tầm và tái định hình tương lai cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 

Các bệnh viện trong nước (khối nhà nước và tư nhân) có thể cân nhắc hợp tác với các bệnh viện nước ngoài có thương hiệu lâu đời

Các bệnh viện trong nước (khối nhà nước và tư nhân) có thể cân nhắc hợp tác với các bệnh viện nước ngoài có thương hiệu lâu đời cùng nhau cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đặt người bệnh làm trung tâm. Trong khi bệnh viện trong nước có thể tận dụng danh tiếng và chuyên môn của các bệnh viện nước ngoài, đặc biệt là trong các chuyên khoa dự kiến mở rộng; bệnh viện nước ngoài có thể tận dụng mạng lưới và nguồn bệnh nhân của bệnh viện trong nước. Bệnh viện trong nước cũng có thể tận dụng thương hiệu của bệnh viện nước ngoài để giành và nâng cao lòng tin của bệnh nhân.

Các trường dấu là bắt buộc(*)

Bằng cách đăng kí thông tin cá nhân của bạn, bạn đã công nhận rằng bạn đã đọc Cam kết quyền riêng tư và bạn đã đồng ý với việc chúng tôi sẽ xử lý dữ liệu của bạn theo như cam kết trong Cam kết quyền riêng tư (bao gồm cả chuyển dữ liệu quốc tế). Nếu bạn thay đổi ý kiến vào bất kì lúc nào về nhu cầu nhận thông tin từ chúng tôi, bạn có thể gửi email cho chúng tôi sử dụng trang Liên hệ

Liên hệ

Nguyễn Lương Hiền

Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn chiến lược - Tư vấn thương vụ, PwC Việt Nam

ĐT: +84 28 3823 0796

Johnathan Ooi Siew Loke

Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thương vụ và Hoạt động, PwC Việt Nam

ĐT: +84 28 3823 0796

Hide