Nếu để mô tả ngắn gọn về bản thân, chị Thu sẽ nói gì?
Chị vốn là người thích lắng nghe và chia sẻ, một người "people-oriented".
Chị luôn tương tác với đồng nghiệp theo tinh thần này. Chị không chỉ lắng nghe mà còn có thói quen quan sát, cảm nhận sự thay đổi trong tâm trạng của các bạn. Thi thoảng, có một số vấn đề chị cũng chủ động chia sẻ với các bạn trước để các bạn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với mình. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mọi người cảm thấy thoải mái và tin tưởng khi tiếp cận mình.
Được biết chị Thu là người rất quan tâm các bạn nhân viên, chị có kỷ niệm nào đáng nhớ về việc tạo động lực cho các bạn không?
Năm 2020, chị có thời gian làm việc ở PwC Malaysia và dự án đầu tiên chị làm chung với một bạn Chuyên viên mới gia nhập công ty được khoảng vài tháng. Chị đã hỗ trợ và khuyến khích bạn thuyết trình phần chuẩn bị trước các lãnh đạo của dự án. Sau đó, bạn chia sẻ với chị rằng bạn rất biết ơn khi nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ của chị trong dự án. Chỉ sau đó vài tháng, bạn vui mừng chia sẻ đã được đề bạt lên vị trí mới và được mọi người đánh giá cao về cách làm việc. Chị cảm thấy rất vui vì đã đóng góp một phần nhỏ giúp bạn tạo nên bước tiến trong sự nghiệp.
Trong nhiều năm gắn bó với PwC, chị có áp dụng những nguyên tắc riêng nào trong việc tham vấn (coaching) các bạn nhân viên?
Trong những tình huống mà các bạn đang trong trạng thái mất bình tĩnh, hoặc cảm thấy rối bời và không biết phải làm gì thì thường chị sẽ cố gắng giúp các bạn bình tĩnh trước và thể hiện sự cảm thông. Chị tin rằng việc này giúp họ nhìn nhận lại vấn đề của mình rõ ràng hơn và đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Một nguyên tắc quan trọng khác của chị khi đưa ra lời khuyên là đặt mình vào vị trí của người đối diện. Vì bản thân chị đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp tại PwC, chị có thể hiểu và đồng cảm với những khó khăn và tình huống mà các bạn đang gặp phải. Chị cảm thấy vui khi nhận được phản hồi tích cực từ những người mà chị đã hướng dẫn và tư vấn, khi họ giải quyết được vấn đề của mình nhờ những lời khuyên và giải pháp mà chị tư vấn.
Cuối cùng, chị luôn tin rằng "Tất cả mọi việc đều có thể xử lý được", và luôn khuyến khích nhân viên nhìn nhận vấn đề từ góc độ tích cực và tìm cách giải quyết mọi thách thức.
Vậy làm thế nào để thể hiện cá nhân mình một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự chuyên nghiệp trong công việc?
Chị có từng tham gia khóa tập huấn nội bộ về kỹ năng lãnh đạo và học được về việc thiết lập ranh giới lành mạnh trong công việc cho bản thân mình. Bản thân mình luôn có khuynh hướng luôn quan tâm đến cảm xúc của người khác, nhưng cũng nhận ra rằng nếu không cẩn thận, mình dễ bị cảm xúc của họ ảnh hưởng đến mình.
"Khi đã xác định được ranh giới, chị là một người quản lý dễ gần nhưng không dễ tính." Ví dụ khi nhân viên mắc lỗi, nếu lãnh đạo không phải là người dễ tiếp cận, nhân viên thường có khuynh hướng che giấu lỗi sai. Ngược lại, nhân viên sẽ cởi mở hơn để chia sẻ và thảo luận cách giải quyết vấn đề nếu họ cảm thấy an toàn để tâm sự với cấp trên hơn,
Trong công việc chắc chắn có những lần chị mắc lỗi và chị cũng đã rất lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên chị may mắn được làm việc với những anh chị lãnh đạo thấu hiểu, thay vì chỉ trích, chị được động viên và hỗ trợ để tìm ra giải pháp. Chính vì điều này, khi ở vai trò quản lý, chị duy trì tinh thần và thái độ này đối với tất cả các bạn nhân viên. Đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến chị gắn bó với PwC. Ở đây, chị có cơ hội thách thức bản thân, học cách chấp nhận rằng thất bại là điều bình thường và luôn luôn có sự hỗ trợ từ đồng nghiệp để thay đổi từ những lỗi lầm mà mình mắc phải.
Nhân ngày 8/3, chị có điều gì muốn nhắn nhủ tới các bạn nữ khác không?
Dù xã hội có nhiều tiến bộ, nhưng những định kiến về giới vẫn còn tồn tại. Chúng ta thường chịu sự áp đặt từ gia đình và xã hội. Liệu chúng ta có thực sự đang theo đuổi những mong muốn của bản thân hay chỉ đơn giản là chạy theo những mong muốn của người khác?
Chị luôn khuyến khích mỗi phụ nữ hãy dành thêm thời gian đào sâu tìm hiểu mình thực sự muốn gì. Đọc cuốn sách "Lean In" của tác giả Sheryl Sandberg giúp chị hiểu hơn chính mình. Dù vẫn phải đối mặt với áp lực từ gia đình và xã hội, nhưng chúng ta cần tự mình vượt qua những rào cản đó để tìm ra điều điều mình thực sự mong muốn. Khi bạn biết rõ mong muốn của mình, bạn sẽ tìm được sự hỗ trợ phù hợp từ những người quan trọng trong cuộc sống. Thay vì chỉ nói chung chung "Tôi cần sự hỗ trợ", câu hỏi đúng hơn là "Tôi cần sự hỗ trợ như thế nào và từ ai?"
Theo chị thì làm bằng cách nào để đẩy mạnh sự hòa nhập và đa dạng tại nơi làm việc?
Trước đây, chị thường thích làm việc với những người có tính cách giống mình. Tuy nhiên, khi ở cương vị người quản lý, chị nhận ra rằng một đội ngũ không nên chỉ có những người giống nhau. Chị hiểu rằng mỗi người đều có những thế mạnh riêng, vì vậy chị tìm hiểu về thế mạnh của từng thành viên trong nhóm và xem họ như những mảnh ghép hoàn hảo cho nhau. Thay vì tập trung vào điểm yếu, chúng ta nên tôn trọng và phát huy những thế mạnh của mỗi người, để khi cần sự giúp đỡ, người khác sẽ tìm đến họ trong lĩnh vực đó. Ban đầu, việc hòa nhập có thể gặp khó khăn khi mọi người chưa hiểu biết nhau, nhưng dần dần, họ sẽ trở nên sẵn sàng để hỗ trợ lẫn nhau, từ đó việc tôn trọng những điều khác biệt cũng được xây dựng.
Chị cũng duy trì một số hoạt động gắn kết như lịch ăn trưa thứ Sáu hàng tuần là một cách tuyệt vời để các thành viên trong nhóm thân thiết hơn.
Cảm ơn chị Ngọc Thu vì những chia sẻ thú vị!